Các bài viết cũ

ĐIỂM MÙ CỦA LÃNH ĐẠO

Từ chuyện khăng khăng một mình làm quá nhiều đến né tránh đối thoại trực tiếp, những điểm mù phổ biến của lãnh đạo có nguy cơ gây hại lớn cho doanh nghiệp.

Từ chuyện khăng khăng một mình làm quá nhiều đến né tránh đối thoại trực tiếp, những điểm mù phổ biến của lãnh đạo có nguy cơ gây hại lớn cho doanh nghiệp.

Để trở thành nhà quản lý thành công, bạn phải học cách nhận ra những điểm mù của mình và khắc phục chúng.

 Lãnh đạo dễ mắc phải những hành vi có hại và suy yếu cả đồng đội lẫn tổ chức. Để trở thành nhà quản lý thành công, bạn phải học cách nhận ra những điểm mù của mình và khắc phục chúng.

Ai trong chúng ta cũng có điểm mù. Đó là những hành vi bất lợi mà ta không biết nhưng người khác lại thấy rõ. Mù trong cách cư xử để lại những hậu quả tai hại dù ta không cố ý: phá hỏng quyết định, giảm tầm hiểu biết, gây thù nghịch, chia rẽ ngấm ngầm, phá hoại sự nghiệp, tạo ra kết quả xấu.

Lúc êm đẹp, điểm mù chỉ làm người khác bực bội, khó chịu. Thời khó khăn, điểm mù có thể dẫn đến chết người.

Không ai được miễn nhiễm điểm mù, nhưng lãnh đạo thì dễ gặp nguy hiểm hơn. Đúng là họ phải thường xuyên chuyển hướng những thay đổi lớn và giải quyết những tình huống căng thẳng, nhưng thêm vào đó, họ còn tự mang vào mình niềm tin: “Tôi là lãnh đạo, nên tôi phải trả lời được mọi câu hỏi, phải biết nên làm gì, và có khả năng đương đầu với thử thách một mình”. Đối với nhiều người, nhu cầu Tôi Phải Đúng lớn hơn cả tính hiệu quả.

Điểm mù không phải là thói xấu, cũng không nói lên ác tâm. Chúng là những hành vi tự động. Tự bản chất, hành động phạm tội không phải là điểm mù. Chúng trở thành điểm mù khi không được nhận biết và quản lý đúng.

Dưới đây là một số điểm mù tôi thường gặp khi làm tư vấn cho lãnh đạo:

Chia sẻ gánh nặng

Điểm mù thứ nhất là làm việc đơn độc. Đây là cách các nhà lãnh đạo độc lập thể hiện sức mạnh và sự kiên cường của mình. Nếu bạn có khuynh hướng tự mình gánh mọi gánh nặng cuộc sống và vô tình loại trừ người khác: đồng đội, bạn bè, gia đình, thì bạn phải biết rằng đó chính là điểm mù của bạn.

Một số triệu chứng của thái độ làm việc đơn độc là từ chối sự ủng hộ, giúp đỡ của người khác, không nhờ cậy, không chia sẻ áp lực, căng thẳng, lo âu, tách biệt mọi người và rút lui khỏi đám đông, suy nghĩ và quyết định mà không để tâm đến người khác.

Thật ra, cư xử như vậy khiến người khác tức giận, phẫn nộ và cảm thấy bị coi thường. Thay vì giao quyền cho toàn đội thì bạn lại cắt cụt quyền đó bằng cách từ chối chia sẻ trách nhiệm, thông tin và quyền quyết định. Nhân viên sẽ mất nhiệt huyết, còn bạn mất sự ủng hộ của họ.

Nhận biết tác động

Điểm mù thứ hai là khuynh hướng thiếu nhạy cảm của lãnh đạo. Lãnh đạo không biết tác hại do cách hành xử của mình gây ra. Khả năng hiểu phản ứng người khác của họ thấp, có lẽ do chưa từng sống cho người khác nhiều.

Là lãnh đạo, tác hại của sự vô cảm sẽ cao hơn bình thường, vì bạn nắm trong tay vận mệnh của người khác. Nếu cứ liên tục phạm sai lầm mà chính bạn không biết thì nhân viên cũng chẳng có chọn lựa nào khác ngoài việc bị loại ra.

Với riêng cá nhân người lãnh đạo, có thể ý định thì tốt nhưng hành động lại không hiệu quả. Đó là khi bạn mong muốn người khác ứng đáp giống bạn, không biết đến khác biệt về văn hóa, và quay lưng với những phản hồi từ người khác về hành vi của bạn.
Khi thiếu nhạy cảm với người khác, mọi người sẽ rút lại niềm tin đặt vào bạn. Họ sẽ chịu đựng bạn, coi bạn là kẻ đứng bên lề, hoặc nghỉ chơi với bạn.

Kiềm chế

Các nhà quản lý thường có nỗi sợ đối diện với những phản ứng tiêu cực, rắc rối tình cảm, mâu thuẫn leo thang hay đánh mất mối quan hệ. Nhiều người lo lắng về việc kiện cáo, hoặc tìm cách nào đó để chỉ bộc lộ thái độ không vừa lòng của mình ở mức ít nhất.

Điểm mù này đưa bạn vào tình thế lưỡng nan: không thể nói ra, và cũng không giải quyết được. Khi tránh những cuộc đối thoại khó khăn, rắc rối sẽ lập đi lập lại, và vấn đề sẽ leo thang. Tệ hơn nữa, qua cách cư xử của bạn, mọi người sẽ nghĩ rằng những hành vi không thể chấp nhận sẽ được dung thứ trong tổ chức. Bạn đối xử đồng đều với nhân viên giỏi và dở khiến mọi người không biết vị trí của mình là ở đâu.

Dấu hiệu của điểm mù này là bạn làm dịu thông điệp, nói chung chung thay vì nêu lên trường hợp cụ thể, và bạn hi vọng mọi người tự hiểu ra thay vì nói thật cho họ biết họ thiếu sót chỗ nào.

Khi tránh né những cuộc đối thoại khó khăn, bạn chẳng làm được điều gì tốt cho ai cả. Mọi người bối rối về những thông điệp lẫn lộn của bạn. Họ không biết vì sao mình không được thăng tiến trong khi không ai trao đổi thẳng thắn với họ về những việc họ làm. Họ nghĩ bạn không để ý, còn người khác nhìn vào sẽ thấy bạn chẳng quan tâm.

Không thể sửa chữa điểm mù nếu đúng lúc phạm phải chúng mà bạn lại không nhận ra. Trước tiên, hãy yêu cầu người khác cho bạn phản hồi trung thực, vì chỉ riêng bạn ngồi suy nghĩ về tác động của hành vi của mình đến người khác thì chưa đủ.

Thứ hai, hãy giải trình về tác động của bạn và ngưng biện hộ bằng cách nêu lên ý định tốt đẹp của mình, bởi người khác đánh giá bạn qua hành động chứ không qua ý định.

Thứ ba, trong quá trình làm việc có những người nhìn thấy điểm yếu của bạn, hãy nhờ họ nhắc bạn ngay lúc điểm mù xuất hiện.

Cuối cùng, ngay khi nhận biết hành vi không đúng, hãy dừng lại.

Thử can đảm nói với mọi người rằng: “Nãy giờ tôi nói vòng vo nhiều quá. Tôi đã tự cam kết sẽ trao đổi thẳng thắn với các anh, nên bây giờ tôi sẽ bắt đầu lại”. Và, hãy bắt đầu lại! Mục tiêu không phải là sự hoàn hảo, mà là nhận biết điểm mù của mình và sửa sai ngay.

(Sưu tầm)

http://noisachsachnoi.wordpress.com

Ý TƯỞNG MỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Kết quả khảo sát năng lực lãnh đạo của các công ty trong năm 2010 do Hay Group thực hiện chính là đánh giá của dư luận về các tập đoàn kinh tế hiện nay.

Kết quả khảo sát năng lực lãnh đạo của các công ty trong năm 2010 do Hay Group thực hiện chính là đánh giá của dư luận về các tập đoàn kinh tế hiện nay.

Lãnh đạo ở mọi cấp độ

Tổng hợp phản hồi của 3.769 cá nhân và 1.827 tổ chức đến từ 96 quốc gia trên thế giới đã giúp Hay Group tìm ra 20 doanh nghiệp có năng lực lãnh đạo cao nhất hiện nay.

Theo nghiên cứu của Hay Group, tại mỗi công ty trong top 20, nhân viên thuộc mọi cấp bậc đều có cơ hội phát triển và thực hành những kỹ năng cần thiết để lãnh đạo người khác, trong khi ở những công ty còn lại tham gia khảo sát, số nhân viên này chiếm chưa đến 70%.

Ngoài ra, với các công ty trong top 20, 90% phiếu khảo sát cho rằng nhân viên được khuyến khích thể hiện năng lực lãnh đạo, bất kể vị trí của họ có thẩm quyền chính thức hay không, còn tỷ lệ này ở các công ty khác là 59%.

“Những công ty tốt nhất thuộc top 20 đã có một bước chuyển đổi quan trọng khỏi các mô hình tổ chức hoạt động mang tính hệ thống cấp bậc”, ông Rick Lash, Giám đốc Bộ phận Phát triển lãnh đạo và nhân tài Hay Group và đồng chủ nhiệm nghiên cứu, nhận xét.

Ông cho biết thêm: “Khái niệm lãnh đạo ở thế kỷ XXI chính là lãnh đạo ở mọi cấp độ, chứ không giới hạn theo chức danh. Khi cấu trúc tổ chức ngày càng tinh gọn thì những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất cũng biết phải để cái tôi của mình bên ngoài công ty để có thể trở nên nhạy cảm hơn trước tính đa dạng và các vấn đề mang tính địa lý hay liên quan đến khác biệt giữa các thế hệ”.

Nghiên cứu của Hay Group còn cho thấy sự thay đổi khỏi cấu trúc lãnh đạo “từ trên xuống” đã mở rộng ra các đơn vị trực thuộc. Tất cả các công ty trong top 20 đều khuyến khích lãnh đạo các đơn vị địa phương tham gia quá trình ra quyết định ở trụ sở, con số này ở các công ty còn lại là 72%.

Và hầu như không có sự phân biệt giữa ý kiến của lãnh đạo tại trụ sở và của lãnh đạo các chi nhánh ở các công ty thuộc top 20 khi tỷ lệ ứng dụng ý kiến khả thi của các lãnh đạo chi nhánh là 95% so với 76% của các công ty còn lại.

Đây là môi trường doanh nghiệp cần thiết để một công ty có thể nắm bắt mọi cơ hội tại các nền kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh bằng cách sử dụng những ý tưởng địa phương, chứ không chỉ áp dụng các phương pháp mang tính toàn cầu.

Lãnh đạo châu Á: tầm nhìn xa

Những công ty tốt nhất rất chủ động và chú trọng tạo điều kiện cho nhân viên làm việc hiệu quả trong môi trường toàn cầu. Những công ty này thiết kế nhiều chương trình để phát triển đội ngũ lãnh đạo, những người có khả năng huy động một cách sáng tạo mọi nguồn lực trong tổ chức, bởi hiểu rằng kinh nghiệm của người lãnh đạo sẽ được nâng cao khi họ được tiếp xúc với đội ngũ nhân viên đa dạng, với nhiều hoạt động đa dạng.

Chính sách thăng tiến nhanh cũng là điều các công ty tốt nhất lưu tâm, nhưng họ không xem nó là công cụ duy nhất cho quá trình phát triển đội ngũ lãnh đạo tương lai.

Họ ý thức được hành vi lãnh đạo không tự nhiên sinh ra, mà cần phải có thời gian để phát triển.

Một nhân viên tiềm năng cho vị trí lãnh đạo trong tương lai cần được thử thách ở nhiều vai trò và tích lũy nhiều kinh nghiệm để phát triển những hành vi lãnh đạo cốt lõi ở họ.

Nghiên cứu của Hay Group còn cho thấy, tại 20 công ty có năng lực lãnh đạo cao nhất, mọi người đều được khuyến khích thể hiện năng lực lãnh đạo, bất kể vị trí, cấp bậc của họ là gì.

“Ở châu Á cũng vậy, công ty luôn mong muốn nhận được sáng kiến từ nhân viên. Tuy nhiên, cũng ở châu Á, mọi nhân viên đều được khuyến khích thể hiện năng lực lãnh đạo, nhưng họ luôn biết ai là sếp của mình”, bà Joann Ang, chuyên gia tư vấn cao cấp của Hay Group Vietnam, chia sẻ.

Đây là lần thứ năm Hay Group tiến hành khảo sát năng lực lãnh đạo của các công ty, nhưng lại là lần đầu tiên nghiên cứu và chọn ra 5 công ty có năng lực lãnh đạo cao nhất châu Á, gồm: Samsung, HSBC, Tata & Sons, Infosys và Nissan Motors.

Điều bất ngờ là hầu hết những vị sếp ở châu Á đều lãnh đạo theo phong cách “chỉ huy”. Dù phù hợp với văn hóa nơi đây, nhưng không phải lúc nào phong cách này cũng tạo ra môi trường làm việc hiệu quả nhất.

“Tôi nhận thấy, chính thái độ cởi mở trước ý tưởng mới, tính đa dạng văn hóa cũng như sở hữu những phương pháp tối ưu đã giúp các công ty châu Á nổi trội hơn so với bè bạn năm châu.

Những công ty châu Á luôn lấy các công ty tốt nhất làm mục tiêu phấn đấu, và họ đủ linh hoạt để nhanh chóng điều chỉnh chiến lược của mình khi cần thiết”, bà Joann Ang nhận xét.

(Sưu tầm)

http://noisachsachnoi.wordpress.com

KINH DOANH TRONG THỜI KHỦNG HOẢNG

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế của năm 2012 được các chuyên gia kinh tế phác thảo không mấy sáng sủa, TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa, khiến người ta ngỡ ngàng với khẳng định: Đây là cơ hội tuyệt vời để kiếm tiền!

 

 

Trong thực tế kinh doanh, đồng tiền luôn thay đổi và dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác và khủng hoảng còn là cơ hội để người ta kiếm tiền. Mỗi ngày có tới 400-500 tỷ USD luân chuyển trên thị trường thế giới. Thị trường không thiếu vốn, Việt Nam cũng không thiếu vốn…

 

Cách thức lý luận mà TS Alan Phan đưa ra khiến người nghe liên tưởng đến lưu ý của giáo sư John Snown – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, trong lần diễn thuyết tại Việt Nam hồi tháng 11: “Đồng tiền chỉ đến với nơi nào được đối xử tốt”. Và lẽ dĩ nhiên, muốn đồng tiền đến với doanh nghiệp mình, người chủ doanh nghiệp phải biết cách đối xử với đồng tiền khôn ngoan ấy!

Bạc tóc vì không biết rót vốn vào đâu

Có một người bạn đang chịu sức ép về việc phải giải ngân 100 triệu USD vào các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm đến TS Alan Phan để nhờ cung cấp thông tin. Sau 9 tháng gặp lại, TS Alan Phan vô cùng ngạc nhiên khi thấy người bạn của mình đã bạc cả tóc, hỏi ra mới biết, ông không thể tìm được đối tác nào hội đủ các điều kiện để rót vốn. Nhiệm vụ bất khả thi khiến ông này có nguy cơ bị sa thải.

Câu chuyện được TS Alan Phan dẫn ra khi vấn đề thiếu vốn triền miên của các doanh nghiệp Việt Nam được xới lên. “Chúng ta không thiếu vốn mà chỉ thiếu những ý tưởng kinh doanh, những sản phẩm đặc thù và thiếu sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp”, TS Alan Phan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một người cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại thị trường Mỹ như ông Alan Phan cho rằng, rất ít doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo được yếu tố công khai, minh bạch trong hoạt động, vậy nên rất khó để họ có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp một cách hiệu quả. “Nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu công bố thông tin không chính xác”, ông Thành nói.

Nhìn ở góc độ khác, chưa bao giờ kết quả kinh doanh của giới doanh nghiệp Việt Nam ảm đạm như hiện nay. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp thực sự phải tạm dừng hoạt động hay giải thể đang ngày một gia tăng, dẫu chưa cơ quan nào đưa ra được một con số thống kê đáng tin cậy.

Tình hình sẽ còn xấu hơn nếu kinh tế khu vực và thế giới xấu đi trong năm 2012 và ngân hàng không mở hầu bao cho số đông doanh nghiệp. Vậy bài toán vốn này cần phải giải như thế nào?

Gõ cửa ngân hàng

 

Đã từng là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rồi Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Dương Thu Hương hẳn không xa lạ với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Bà dẫn ra con số: tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay của doanh nghiệp Việt Nam hiện ở mức 1/20, cá biệt còn lên đến 1/30. “Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam hiện lệ thuộc rất nhiều vào vốn vay bên ngoài, chủ yếu là từ ngân hàng”, bà Hương nhận xét.

 

Theo những thông điệp chính sách phát đi từ Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Hương cho rằng, có thể tin tưởng doanh nghiệp sẽ có cơ hội vay được vốn với điều kiện tốt hơn trong năm 2012. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Dũng, Phó TGĐ ngân hàng Vietcombank, lại nhìn nhận một cách thực tế hơn khi khẳng định: điều đó chỉ đúng với những doanh nghiệp mạnh khỏe, khách hàng lâu năm của ngân hàng!

Điều này có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay, theo cách diễn đạt của TS Lê Xuân Nghĩa là “đến các ngân hàng lớn cũng còn run. Bản thân các ngân hàng cũng đang phải lo toan với những vấn đề của chính mình thì việc tăng trưởng tín dụng đối với khối sản xuất hay phi sản xuất cũng đều phải dựa vào những cân nhắc rất thận trọng và từ cả những chỉ dấu chính sách”.

Tuy có ý kiến phản biện lại nhận xét của ông Bùi Kiến Thành về việc các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ cho vay dựa vào tài sản thế chấp, bà Dương Thu Hương cũng phải thừa nhận một thực tế rằng: việc cho vay theo dòng tiền, cho vay theo dự án đã được các ngân hàng triển khai lâu nay, nhưng chưa nhiều và chưa hiệu quả.

Trong khi trò chuyện riêng với Doanh Nhân, bà cho rằng, với cơ chế hiện nay, các ngân hàng chưa đủ năng lực để thẩm định dự án hay nhìn nhận dài hơn, xa hơn cho một vòng đời dự án cũng như kiểm soát cho vay theo dự án để quyết định cho vay.

Yếu tố cốt lõi vẫn là sự thiếu minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp tạo nên mối e ngại lớn của các ngân hàng, bà Hương nói. Như vậy, quả bóng một lần nữa lại được chuyển sang sân của doanh nghiệp, bởi xét đến cùng, để có thể vay được vốn đã đến lúc doanh nghiệp không nên chỉ nghĩ đến việc đem tài sản ra thế chấp mà cần phải thay đổi cung cách tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

Kênh nào ra vốn đầu tư?

Thông thường các doanh nghiệp tìm vốn ở các nguồn quen thuộc như các cổ đông hiện hữu, bạn bè, người thân trong gia đình, các đối tác hiện có, ngân hàng và một số nguồn không chính thống khác.

Một mặt chỉ ra thói quen huy động vốn này của doanh nghiệp Việt Nam, mặt khác TS Alan Phan đưa ra khuyến nghị về vai trò của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm vốn của các doanh nghiệp. Đó là các quỹ đầu tư, đối tác chiến lược, các nhà đầu tư cá nhân, các khách hàng, nhà cung cấp… Trong đó, theo ông Alan Phan, các doanh nghiệp nên chú ý đến việc bắt tay với các công ty bảo hiểm, các công ty cho thuê tài sản và thậm chí cả hình thức thuê ngoài (outsourcing)…

Với những doanh nghiệp đủ sức và đủ minh bạch, lời khuyên của ông chính là việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ – một thị trường tài chính lớn nhất thế giới với đủ mọi tầm cỡ của doanh nghiệp.

Có thể lời khuyên của ông Alan Phan chưa thật thích hợp với đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhưng việc khuyến nghị nên nghĩ xa hơn, bớt lệ thuộc vào ngân hàng, tự nghĩ cách tìm kiếm nguồn vốn ở những thị trường bên ngoài như: Đông Nam Á, Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu là điều mà doanh nghiệp cũng nên cân nhắc khi chuẩn bị đón năm 2012 – một năm mà kịch bản kinh tế được dự báo là rất xấu. Muốn vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần vươn đến những chuẩn mực hoạt động cao hơn.

Ông Thomas LanYi, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Mekong Capital chia sẻ kinh nghiệm, trước khi quyết định đầu tư, họ xem xét rất kỹ về doanh nghiệp, không chỉ nhìn doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại mà nhìn xa hơn trong chiến lược trung và dài hạn của chính doanh nghiệp đó.

Thậm chí, mối quan tâm có thể rất cụ thể như: văn hóa doanh nghiệp; cơ chế đưa ra quyết định của doanh nghiệp; doanh nghiệp có tham vọng tham gia các “cuộc chơi” lớn không…

Nếu là một doanh nghiệp qui mô gia đình khi phát triển thì năng lực quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp có theo kịp yêu cầu không; cơ chế chia sẻ thành công với các đối tác thế nào?…

Điều mà ông Thomas băn khoăn là các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc thuê CEO chất lượng cao, do vậy họ sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng và chuẩn mực hoạt động. Theo ý kiến của ông Bùi Kiến Thành, để gọi được vốn các doanh nghiệp cần gia tăng kỹ năng đi vay theo dự án, phải trả lời được câu hỏi về dòng tiền của dự án.

Tiếp tục khuyến nghị đối với doanh nghiệp, TS Alan Phan đưa ra 5 yếu tố cần thiết khi vay vốn: Sáng tạo – kiên nhẫn – cách thức bán hàng – hiểu mình (lợi thế cạnh tranh, ban quản trị) và hiểu nhu cầu nhà đầu tư.

Và trước mỗi cuộc tiếp xúc vay vốn, doanh nghiệp cần đưa ra được danh sách các nguồn vốn tiềm năng; làm một phân tích SWOT; kế hoạch kinh doanh mới; báo cáo và dự phòng tài chính cũng như phải đưa ra được đề nghị về mức hoàn trả (ROI)…

Chỉ khi chuẩn bị được kỹ càng như vậy, câu chuyện vay vốn mới không trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp. “Nói như Tôn Tử, kết quả của trận chiến được quyết định trước khi phát súng đầu tiên khai hỏa”, TS Alan Phan kết luận một cách hình ảnh và cũng đầy ẩn ý.

Chuyên gia ngân hàng Dương Thu Hương

 

Làm sao để vốn vào được doanh nghiệp mà ngân hàng không đổ vỡ?

 

Trong bối cảnh mức lãi suất cho vay đứng ở mức trên 20%/năm, những doanh nghiệp khởi nghiệp và những doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Muốn giải quyết được vấn đề này cần bàn tay của Nhà nước. Lấy ví dụ ở Đài Loan, người ta lập ra một quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ – động lực tăng trưởng kinh tế chính của vùng lãnh thổ này.

Ở Việt Nam, mô hình một quỹ tín dụng như vậy cũng đã được lập ra, nhưng chính hình thức cho vay dựa vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước kết hợp với vốn của ngân hàng đã khiến hoạt động của quỹ không hiệu quả. Việc đặt quỹ bảo lãnh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam tạo nên sự rắc rối và có phần dồn trách nhiệm cho ngân hàng thực hiện. Ngân hàng Phát triển cho vay ra, nhưng không theo đến cùng dự án, rồi những khó khăn trong quá trình thẩm định dự án khiến cho việc vay vốn từ quỹ này nằm ngoài tầm với của đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Để giải quyết bài toán vốn, ngoài nỗ lực của ngân hàng, của doanh nghiệp, cần đến bàn tay của Nhà nước. Chẳng hạn, cần hoàn thiện hơn nữa mô hình quỹ bảo lãnh và quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng Nhà nước cũng cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại lập ra hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về các doanh nghiệp khách hàng, kết nối và theo dõi khách hàng theo quá trình một cách đầy đủ nhất. Có như vậy thì tài sản thế chấp mới không trở thành yêu cầu số 1 trong quá trình vay vốn – điều đang làm khó không ít doanh nghiệp.

Đằng sau số phận của mỗi doanh nghiệp là vấn đề an sinh xã hội. Nhiệm vụ chính trị của ngân hàng là phải hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng phải tương sinh cùng doanh nghiệp. Đây là thời điểm để cả doanh nghiệp và ngân hàng đổi mới cung cách vay và cho vay vốn.

(Sưu tầm)

Tham gia CLB Nói sách & Sách nói để cùng toả sáng bạn nhé… ^^

http://noisachsachnoi.wordpress.com

http://likeacademy.net